Vì sao “Nhân viên nghỉ việc, Sếp nên xem lại mình”?

nhân viên nghỉ việc

Vì sao nhân viên hay nghỉ việc, dù là môi trường làm việc lý tưởng, chuyên nghiệp, chế độ phúc lợi cao, khả năng thăng tiến nhanh?nhân viên nghỉ việc, sếp nên xem lại mình” – bài viết của tác giả Nguyễn Hoàng Kim Quý, học sinh đang du học tại Ý đã từng trải qua nhiều vai trò quản lý, thường xuyên tiếp xúc với các quản lý cấp cao và nhân viên đang gây bão trên cộng đồng mạng.

Bài viết “Sốc” của Anh hiện đang gây bão Mạng Xã Hội; đã nhanh chóng thu hút được hàng nghìn lượt Like và Share, trong đó có không ít người lên tiếng đồng tình với quan điểm “học cách làm sếp” của anh.

nguyễn hoàng kim quý, tác giả bài viết "nhân viên nghỉ việc, sếp nên xem lại mình"

Nhắc tới “nghỉ việc”, mọi người thường nghĩ: “nhân viên nhảy việc vì mức lương chỗ khác cao hơn”, nhận định này không sai, nhưng chưa đủ. Vì cũng có người làm lâu đến lúc thấy họ mất lửa nên họ nghỉ, mất lửa vì nhiều nguyên nhân: từ chính họ, từ công ty và đặc biệt là từ chính “sếp” của họ.

Rõ ràng, chẳng ai đi làm mà thích nhảy việc! Cũng chẳng ai đi làm mà không muốn kiếm tiền, không muốn thăng tiến, không muốn được tôn trọng, không muốn khẳng định bản thân? Mặc dù vậy, nhưng ở khía cạnh ngược lại, cũng có không ít người khi đi làm chỉ thích chèn ép người khác, tùy vào vị trí mà họ sẵn sàng bất chấp và coi mọi người như những kẻ thứ cấp.

Cách đây không lâu, một giám đốc nhân sự nổi tiếng vừa mới “trải lòng” trên một bài báo: “Trong cuộc đời làm sếp, tôi gặp nhân viên nghỉ việc có văn hóa thì ít, vô văn hóa thì nhiều”. Đành rằng lời chia sẻ này có thể phần nào là sự thật. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ tồn tại những quan điểm mang tính một chiều như vậy. nhân viên nghỉ việc

Nhân viên đi làm lâu sẽ có tình cảm với công ty, đồng nghiệp; không ai muốn mất bạn bè, không ai muốn đạp đổ đi công sức của mình; nên khi nhân viên nghỉ việc và hành xử không văn hoá thì sếp cần nên xem lại chính mình. Trên thực tế, có nhiều sếp cả ngày chỉ biết than vãn về việc: nhân viên không nghe lời, nhân viên không tôn trọng, nhân viên cư xử không đúng mực với họ; thế nhưng cũng không ít người làm sếp mà nhân viên sẵn sàng trung thành cả đời. Thậm chí, ngay cả khi nhân viên nghỉ việc rồi, gặp nhau họ vẫn luôn tươi cười, tôn trọng và dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất.

Trong quá khứ, tôi đã từng trải qua từ một nhân viên “quèn” trước khi học cách trở thành quản lý nhân sự nên tôi cũng phần nào thấu hiểu tâm tư của không ít nhân viên “dứt áo ra đi” chỉ vì những người được gọi là “sếp”. Dưới đây là 04 Cách Cư Xử của “sếp” dễ dẫn đến vấn đề: vì sao nhân viên nghỉ việc???

01. Thái độ của… “kẻ bề trên”

sếp tỏ thái độ kẻ bề trên

Không phải cứ nói thật nhiều, nói thật to, nói người khác phải nghe và làm theo thì được gọi là “sếp”. Để đạt được vị trí cấp cao trong tổ chức, ai mà chẳng qua tháng ngày đi làm nhân viên. Thế nhưng hình như khi lên đến được đỉnh cao danh vọng, không ít người lại quên đi những khoảng thời gian đầu tiên quý giá ấy.

Người nhân viên chỉ cần có 01 người sếp: biết lắng nghe – nhìn vào mắt họ khi nói chuyện – nghe nhân viên nói hết câu – không làm việc riêng – nói chuyện một cách chân thành – nói những điều đúng vào lúc đáng nói – không quát tháo – không ra lệnh – không xem nhân viên như kẻ hầu người hạ. Có thể lúc đó người nhân viên sẽ sẵn lòng chia sẻ những khó khăn của họ để cùng nhau phát triển và gắn bó. Hoặc; nếu chẳng may nhân viên nghỉ việc, sự thật sẽ được giải bày, chứ không cần vòng vo viện cớ. 

Trước khi muốn nói điều gì, hãy nghĩ thật kỹ lời mình nói có “đúng” không, nếu đúng rồi thì có “đáng” để nói không, nếu đáng nói rồi thì nói như thế nào để người khác tiếp thu và tôn trọng. 

02. Sếp hay… “chỉ tay mười ngón” 

sếp chỉ tay mười ngón

Có những người sếp rất giỏi giao việc; giao hết việc công ty; nhân tiện giao luôn cả… việc nhà, việc cá nhân cho nhân viên. Người đi làm họ được trả lương để hoàn thành nhiệm vụ công việc, tạo ra giá trị cho tổ chức; chứ không phục vụ riêng cho giá trị của một cá nhân nào đó.

Thế nhưng, đôi khi ranh giới giữa “giá trị cá nhân” và “giá trị tổ chức” bị làm cho mập mờ, bị lạm dụng. Và có bao nhiêu người đi làm dám lên tiếng, vì suy cho cùng KPI, hay trách nhiệm công việc cũng được sếp mình thay đổi với lý do “Thời điểm này tổ chức cần anh/chị làm công việc ấy”. Nếu anh/chị không làm thì…

Giao việc đã khó, nhưng làm sao giao việc cho công tâm càng khó hơn. Giao việc cho nhân viên thì hãy giao cho họ những cơ hội; để họ được phát triển, được làm hết mình, dù cực khổ nhưng họ vẫn vui vẻ. Đừng giao cho nhân viên “những vấn đề” mà bạn biết “không bao giờ” nhân viên sẽ giải quyết được !!!

03. Sếp hay… “hứa suông”

 

sếp hứa suông

Lời nói gió bay… như định luật bảo toàn năng lượng, gió cũng chỉ đi từ nơi này đến nơi khác, chứ không mất đi. Dù có là sếp hay không là sếp, khi đã hứa thì phải làm, phải nhớ, phải thực hiện đúng lời hứa. Tuy nhiên, với lý do “hoàn cảnh đưa đẩy” mà nhiều sếp phải hứa với nhân viên để giải quyết “cái hố” trước mắt, nhưng rồi sau đó lại phát hiện ra giới hạn của bối cảnh tổ chức, năng lực hay quyền lực không cho phép thực hiện lời hứa đó, rồi rơi vào “cái hố” thứ hai, to hơn, sâu hơn, đau đớn hơn cho người hứa và nhận lời hứa ấy. Lời hứa hẹn thăng chức/ tăng lương là cam kết phổ biến nhất để giữ người của nhiều chuyên gia “họ hứa”, cách làm này như con dao hai lưỡi, không biết khi nào sẽ cắt vào chính tay của mình. “Khi có người hứa, sẽ có người kỳ vọng. Kỳ vọng càng nhiều, thất vọng càng đau”.

Khi và chỉ khi chắc chắn trong khả năng làm được thì hãy hứa; còn nếu không đảm bảo, hãy nói rõ tình huống để nhân viên thôi trông chờ. Và khi đã hứa với nhân viên điều gì, bằng mọi cách phải làm được. Nếu chẳng may không làm được dù đã cố hết sức, hãy biết nói “xin lỗi”. Đừng im lặng. Vì im lặng không làm lời hứa mất đi.

04. Sếp hay… “vắt chanh bỏ vỏ”

sếp vắt chanh bỏ vỏ

100 người đi phỏng vấn cho vị trí quản lý, thì hẳn 101 người tự nhận mình là có tinh thần trách nhiệm. Thế nhưng thực tế thì… không hẳn là họ nói dối, chỉ là một số cá nhân nói chưa đủ! Đúng là phần lớn con người đều có tinh thần trách nhiệm với bản thân; nhưng chưa đủ tầm và có tâm cho trách nhiệm với tổ chức, với công ty.

Khi nhân viên làm sai, sếp tất nhiên bị “mắng vốn”, nhiều sếp sẵn sàng đối diện với lỗi lầm của nhân viên để cùng tìm giải pháp khắc phục; nhưng cũng nhiều người vô tình nói: “ơ, tôi không có nắm điều này, tôi đã giao cho nhân viên đó rồi”; và nở 1 nụ cười cho qua chuyện. Ừ thì chuyện sẽ qua! Nếu mọi chuyện thuận lợi và diễn ra thành công; để được nhân viên tôn trọng và thương mình; bạn hãy dành chút thời gian để ghi nhận công lao của nhân viên khi họ xứng đáng với vai trò và trách nhiệm của họ. Một lời khen chân thành không mất đến 1 phút để nói ra nếu bạn thật sự chân thành.

Nếu mọi chuyện không may bị thất bại, thì sếp ơi, hãy cùng nhau đưa ra hành động để giải quyết, chứ đừng giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” chạy ra quán trà chanh, uống ly trà, vắt một miếng chanh rồi bỏ vỏ. Ai hốt, nhân viên hốt?

Rồi đến một ngày, các nhân viên cũng chán, cũng ra quán trà chanh, uống mấy ly trà, cùng nhau vắt một đống chanh rồi bỏ bỏ. Ai hốt, sếp hốt?

Cuộc sống không có gì là tuyệt đối, có những người sếp cư xử không hay; cũng có những người sếp cư xử rất đáng quý. Thế nhưng, bao nhiêu người khi làm sếp đủ dũng cảm để nhìn nhận lại cách cư xử của bản thân? Mà đôi khi điều ấy chính là ngọn nguồn của mọi vấn đề và sẽ dẫn đến “Nhân viên nghỉ việc, Sếp nên xem lại mình”.

*** Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Nguyễn Hoàng Kim Quý
Theo Trí Thức Trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chao!
Xin chao!